Đơn hàng tới tấp, xuất khẩu gạo tăng trưởng đột phá – tigifood
Giỏ hàng

Đơn hàng tới tấp, xuất khẩu gạo tăng trưởng đột phá

Những thuận lợi khách quan từ thị trường XK cũng như nỗ lực tự thân đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng được nhiều phân khúc khác nhau đã giúp XK gạo Việt có bước tăng trưởng đột phá đầu năm nay. Dự kiến, cả năm 2019, XK gạo tự tin "cán đích" 6,5-7 triệu tấn.

don hang toi tap xuat khau gao tang truong dot pha
XK gạo đang có nhiều thuận lợi về mặt thị trường. Ảnh: Nguyễn Thanh.

Giá gạo điều chỉnh theo tuần

Bộ NN&PTNT đã và đang phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp, đảm bảo được kế hoạch sản xuất lúa đã đề ra cũng như dự kiến sản lượng lúa thu hoạch trong năm nay.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm: Toàn bộ lúa vụ Đông Xuân cả nước sẽ được thu hoạch, sản lượng dự kiến đạt khoảng 20,1 triệu tấn thóc, trong đó các tỉnh phía Bắc là 6,9 triệu tấn, các tỉnh phía Nam là 13,2 triệu tấn. Trong 6 tháng cuối năm: Toàn bộ lúa vụ Hè Thu, Mùa, Thu Đông cả nước được thu hoạch với sản lượng dự kiến là 23,4 triệu tấn thóc, trong đó các tỉnh phía Bắc là 6,2 triệu tấn, các tỉnh phía Nam là 17,2 triệu tấn.

Suốt từ đầu năm đến nay, trong khi hàng loạt mặt hàng nông sản XK chủ lực của Việt Nam gặp khó khăn, giá trị XK sụt giảm nghiêm trọng thì riêng mặt hàng lúa gạo lại theo chiều ngược lại.

Không giấu được sự hồ hởi, ông Phan Xuân Quế, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Lương thực Miền Bắc (Vinafood 1) chia sẻ, ngành chế biến, XK lúa gạo đã trở thành điểm sáng XK trong bối cảnh khó khăn chung của ngành nông nghiệp. Theo thống kê mới nhất của Bộ NN&PTNT, XK gạo 2 tháng đầu năm đạt 890.000 tấn và giá trị XK đạt 420 triệu USD, lần lượt tăng 27% về lượng và tăng tới 32,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. "Suốt 2 năm 2018-2019, sự cạnh tranh gay gắt đến từ các thị trường gạo mới nổi như Ấn Độ, Myanmar… đã khiến hạt gạo Việt chật vật trên con đường khẳng định vị thế. Kết quả đạt được đầu năm nay là điều mà những DN làm trong ngành kinh doanh, XK gạo mong ước từ mấy năm nay", ông Quế nói.

Lãnh đạo Vinafood 1 đặc biệt nhấn mạnh: "Thị trường gạo sau dịp tết Nguyên đán Canh Tý trở nên sôi động chưa từng có. Giá gạo XK tăng nhanh và tăng đều ở tất cả các mặt hàng, phân khúc chứ không chỉ ở sản phẩm cấp cao. Đáng chú ý, thời gian điều chỉnh giá nhanh. Lần đầu tiên, giá gạo XK được điều chỉnh theo tuần chứ không phải theo tháng hay quý như thông lệ".

Tại sao XK gạo lại đi "ngược dòng", không lâm cảnh lao đao chung với các mặt hàng nông sản khác? Làm rõ vấn đề này, ông Quế đánh giá, mấu chốt là bởi thị trường Trung Quốc-thị trường chi phối 3 triệu tấn gạo của thế giới buộc phải hạn chế XK do tình hình dịch Covid-19. Bên cạnh đó, thị trường "đối thủ" của Việt Nam là Thái Lan bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hạn hán nên buộc phải giảm mục tiêu XK gạo. Những yếu tố khách quan đó khiến cho các nước tăng cường NK gạo Việt Nam.

Một số chuyên gia nhìn nhận, ngoài thuận lợi khách quan từ nhu cầu thị trường, yếu tố chủ quan nhờ đa dạng hóa sản phẩm, có thể cung cấp nhiều phân khúc sản phẩm cho thị trường cũng là yếu tố góp phần giúp ngành chế biến, XK gạo tận dụng tốt những cơ hội mở ra trong đầu năm nay.

Phấn đấu xuất khẩu 7 triệu tấn

Liên quan tới tình hình XK gạo, Bộ Công Thương nhận định, XK gạo của Việt Nam trong cả năm 2020 có không ít yếu tố thuận lợi. Thương mại toàn cầu năm 2020 dự kiến là 46 triệu tấn. Mặc dù các thị trường như Bangladesh, Trung Quốc, Nigeria và Sri Lanka NK ít đi, song Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) dự báo NK gạo sẽ gia tăng tại Philippines, châu Phi cận Sahara và Indonesia.

Đáng chú ý, FTA Việt Nam-EU (EVFTA) dự kiến có hiệu lực từ tháng 7/2020 cũng sẽ mở ra nhiều cơ hội cho gạo Việt. Việc tận dụng hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm mà EU dành cho Việt Nam sẽ là cơ hội tốt để Việt Nam thu hẹp bất lợi trong cạnh tranh (với Thái Lan, Campuchia) và mở rộng thị trường gạo cao cấp này. Trong trường hợp tận dụng tốt EVFTA, nửa cuối năm 2020, Việt Nam có thể XK được 40.000 tấn gạo trong hạn ngạch thuế quan và 100.000 tấn gạo tấm vào EU…

Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về triển khai kế hoạch sản xuất lúa gạo năm 2020 ngày 17/3 của Bộ NN&PTNT, Bộ NN&PTNT nêu rõ, năm 2020, phấn đấu đạt sản lượng thóc đạt 43,5 triệu tấn, tăng khoảng 80 nghìn tấn so với năm 2019, đảm bảo đủ tiêu dùng trong nước và XK khoảng 6,5 - 7 triệu tấn gạo.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, để đạt sản lượng 43,5 triệu tấn thóc, năm 2020 cả nước phải duy trì tối thiểu 7,364 triệu ha lúa, giảm khoảng 115 nghìn ha so với năm 2019 do chuyển đổi cơ cấu cây trồng và tác động của hạn mặn; năng suất phải đạt 59,3 tạ/ha, tăng 1 tạ so với năm 2019 để bù vào phần diện tích bị cắt giảm.

Dù có nhiều yếu tố thuận lợi trong XK, song Bộ Công Thương cũng lưu ý, thị trường toàn cầu hiện chưa có dấu hiệu khởi sắc do dịch bệnh tại Trung Quốc lan rộng. Diễn biến của dịch Covid-19 là nguyên nhân tác động đến khả năng XK gạo và khả năng, nhu cầu, thời điểm NK gạo của Trung Quốc. Nhu cầu từ Trung Quốc (trong cả NK và XK) sẽ tác động đến giá cả thị trường thế giới cũng như giá cả trong nước.

Để kịp thời ứng phó với tác động của dịch Covid-19 trong thời gian tới và thúc đẩy XK gạo, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT theo dõi, thống kê sát thực về tình hình sản xuất, cơ cấu, sản lượng, nguồn thóc, gạo hàng hóa theo từng chủng loại, từng mùa vụ trong năm và thường xuyên cập nhật với Bộ Công Thương, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và UBND các tỉnh để định hướng sản xuất, cân đối nguồn thóc, gạo hàng hóa XK...

Saigon Co.op giảm giá hơn 10.000 mặt hàng

Triển khai chương trình hỗ trợ người tiêu dùng mùa dịch, từ nay đến hết 25/3, hơn 800 siêu thị, cửa hàng trên cả nước của Saigon Co.op đang áp dụng giảm giá, khuyến mãi cho hơn 10.000 sản phẩm, gồm: Xúc xích, gạo, mì gói, cá hộp, thịt hộp, nui, cá lóc, các loại thịt heo, thịt gà, cá biển, các loại trái cây, rau củ, nước tương, dầu ăn, hạt nêm, dụng cụ nhà bếp…

Ông Nguyễn Anh Đức - Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết, đơn vị đã chốt xong phương án tăng lượng hàng hóa dự trữ cần thiết để đáp ứng nhu cầu mua sắm tăng mạnh của người tiêu dùng khi có nhu cầu dự trữ thực phẩm cả tuần - thay vì 2-3 ngày như trước đây. Các mặt hàng gạo, mì, sữa, trứng, đường, nước mắm, dầu ăn, thịt gia cầm, gia súc, thủy hải sản, các mặt hàng đông lạnh đều được tăng trữ lượng lên từ 2 - 3 lần. Nhằm chia sẻ áp lực chi tiêu với người tiêu dùng, toàn bộ hệ thống áp dụng giảm giá trung bình từ 15 - 45% cho hàng loạt mặt hàng.

Nhận hồ sơ miễn trừ phòng vệ thương mại với sản phẩm nhôm

Từ nay đến 15/4, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) sẽ tiếp nhận hồ sơ đề nghị miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm nhôm thanh định hình (vụ việc AD05).

Theo Quyết định số 2942/2019/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức đối với một sản phẩm nhôm có xuất xứ từ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, sản phẩm nhôm bị áp dụng biện pháp chống bán phá giá được phân vào mã HS: 7604.10.10, 7604.10.90, 7604.21.90, 7604.29.10, 7604.21.90. Căn cứ Thông tư 37/2019/TT-BCT quy định chi tiết một số nội dung về các biện pháp phòng vệ thương, Cục Phòng vệ thương mại đề nghị các doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện được miễn trừ nộp hồ sơ đề nghị miễn trừ tới Cổng dịch vụ công trực tuyến theo địa chỉ: https://dichvucong.moit.gov.vn hoặc tới Cục Phòng vệ thương mại trước 17h ngày 15/4.

M.H

Thanh Nguyễn (Hải quan online)